Kiến thức chung về thời trang
Tiệm giặt khô ở nhà
 
 

Mũ đội lâu ngày sẽ có một lớp ố dầu, để khi giặt không bị biến dạng, bạn có thể tìm một vật gì đó có kích cỡ bằng với mũ, chẳng hạn như bình thủy tinh cong, vại sành, lọ hoa... sau đó chụp mũ ra ngoài vật đó. Đem giặt và phơi khô.

Khi mũ đã gần khô lại dùng tay sửa cho đều một lần nữa. Bạn yên tâm đi, khi khô mũ sẽ không bị biến dạng đâu.

Với mũ da lông đã quá bẩn do cả tháng nay bạn không có thời gian rỗi, bạn chỉ cần dùng vải tẩm xăng rồi lau theo chiều của lông. Chỉ sau một vài động tác, bạn đã có chiếc mũ mới như vừa mua xong. Muốn chiếc mũ dệt kim của con bạn được nhanh khô, sau khi giặt xong bạn nhớ nhét đầy giấy báo đã được vò nhàu cùng với nắm vải vào bên trong rồi mới đem phơi. Điều đó còn giúp giữ dáng của mũ tốt hơn.

Nếu giặt nhiều, áo len sẽ nhanh bị dão, không còn độ bền như ý muốn. Hãy chịu khó làm sạch áo len sau mỗi lần mặc bằng cách phủ một tấm khăn ẩm lên trên và dùng một cái gậy đập nhẹ. Nhưng bạn phải đảm bảo là mặt phẳng bạn đặt lên phải thật sạch đấy nhé. Thử hình dung nếu bạn đặt lên mặt ghế hay mặt đệm thật bẩn để đập bụi áo len thì có thể áo len của bạn sẽ làm bẩn cả mặt ghế hay đệm. Còn cách phơi áo len khô dưới nắng rồi đập hoặc phủ lên trên áo len một tấm khăn khô rồi đập, cả hai đều không có tác dụng.

Để giữ độ bền cho áo len, quần len, khăn len, cách tốt nhất là nên dùng nước gội đầu hoặc nước bồ kết đóng gói sẵn để giặt. Không giặt bằng nước rửa bát vì nước rửa bát có tính tẩy quá mạnh nên rất hại cho áo len.

Để khắc phục tình trạng áo len bị sờn và sổ lông rồi bết bóng, nên lấy nước hòa với dấm theo tỷ lệ 50/50 sau đó phun lên chỗ len bị sờn và bóng rồi dùng vải sạch lau khô nhiều lần. Cái áo của bạn sẽ trở nên mới như trước, chẳng ai còn phát hiện ra khuỷu tay bị sờn nữa.

Nếu áo quần bằng nỉ, dạ của bạn bị bẩn, chỉ cần dùng khăn mặt ẩm đặt lên trên áo dạ rồi là, như thế những bụi bẩn sẽ bám hết vào khăn mặt. Bạn vừa là vừa giặt là khăn sẽ được một chiếc áo sạch sẽ như ý muốn. Nhớ là nếu treo áo lên rồi đập hoặc dùng bàn chải mềm phủi sạch, bụi bẩn sẽ không đi hết được đâu, như vậy vừa mất công, vừa mất thời gian.

Nếu muốn làm sạch tấm drap bị ố vàng, bạn nên bôi sữa tươi phơi khô, rồi giặt sạch. Không nên bôi nước muối hoặc nước xà phòng lên chỗ ố, phơi khô rồi giặt.

Thông thường sau khi giặt tã lót của trẻ em vẫn còn lưu lại một lượng amoniac và bột giặt mà mắt thường không nhìn thấy được. Do đặc tính sinh lý, làn da của trẻ rất mẫn cảm, chỉ với lượng hóa chất sót lại này cũng có thể gây viêm nhiễm, đau, ngứa. Vì vậy khi giặt, bạn nhớ nhỏ thêm vào nước giặt một vài giọt giấm ăn, các chất trên sẽ được khử sạch. Như vậy ta vừa tiết kiệm được bột giặt, nước, thời gian lại vừa bảo vệ được làn da cho trẻ.

Phơi áo quần đúng cách

Nếu nhà bạn diện tích rộng, có sân hoặc sân thượng để phơi, khi thời tiết đẹp có nắng gió thì cách tốt nhất là nên mang quần áo ra phơi ngoài trời: quần áo nhanh khô, sáng bóng và thơm tho. Nếu quần áo không mầu thì có thể phơi trực tiếp dưới ánh nắng trong thời gian lâu.

Không nên phơi quần áo có màu (xanh, đỏ, vàng...) giữa trời nắng to vì như thế quần áo sẽ dễ mất màu, ngoài ra một số chất liệu vải như lụa tơ tằm, xa tanh, len, nylon, sợi tổng hợp không có khả năng chịu đựng được nhiệt độ cao của ánh nắng mặt trời.

Nếu phơi ở ban công thì làm mất nguồn ánh sáng, luồng gió vào trong nhà. Nếu phơi quần áo trong bếp thì dễ bị nhiễm mùi và không thể mặc được. Còn nhà tắm thì thường diện tích quá nhỏ và hay ẩm ướt, trừ khi bạn thường xuyên mở cửa và bật thông gió cho nhà tắm. Hơn nữa nếu vào mùa đông thời tiết quá ẩm ướt vào những ngày trời nồm quần áo không thể khô thậm chí nếu để lâu quần áo còn ướt thêm, vậy chỉ còn cách duy nhất là chọn mua cho cả nhà một máy sấy thích hợp.

Khi phơi quần áo ngoài trời tốt nhất là nên dùng dây có thể tháo ra cất đi mỗi khi quần áo khô vì bụi bặm, côn trùng... có thể làm bẩn và mốc dây phơi và như thế sẽ làm bẩn cả quần áo.

Nên dùng dây phơi tráng kẽm, dây bền hơn và cứng hơn và có thể phơi được cả những đồ nặng như chăn, ga... Còn dây bằng sắt nhanh bị han gỉ, bằng nhựa dễ bị khô và gẫy. Vậy phải thường xuyên thay dây phơi và trước khi phơi phải kiểm tra độ bền của dây.

Cẩn thận hơn trước khi phơi quần áo bạn nên dùng giẻ mềm, ướt để lau qua dây phơi. Nên treo quần áo vào mắc trong khi phơi (tốt hơn là vắt quần áo lên dây rồi dùng kẹp) để quần áo nhanh khô và phẳng phiu hơn, mắc áo và kẹp phải bằng nhựa và thường xuyên được lau sạch bụi bẩn. Nếu khi thời tiết lạnh, bạn nên nhớ thêm một chút ít muối vào nước cuối cùng trong khi giặt để quần áo được nhanh khô hơn.

Để quần áo được thơm tho, trong khi giặt có thể dùng thêm nước xả Comfort, Softlan... Để quần áo nhanh khô hơn bạn có thể phơi cùng với những chiếc khăn bông khô.

Không nên để quần áo phơi đêm vì nhiệt độ vào ban đêm thường thấp và tạo điều kiện cho tạo sương và ngưng đọng sương trên quần áo và làm quần áo mất mầu.

Không nên phơi quần áo gần sát nhau. Phơi mặt trái quần áo ra ngoài. Quần áo bằng len phải được phơi phẳng. Nên để quần áo cách xa máy sưởi vì độ nóng quá lớn có thể làm giảm độ bền của quần áo. Quần áo ướt ít và ướt nhiều phải được phơi cách xa nhau. Với áo cổ tròn thì phải luồn mắc từ dưới lên trên để tránh làm giãn cổ.

Với quần áo bạn thấy có hình tròn trong hình vuông cùng với 1, 2 hoặc 3 chấm: tức là quần áo có thể được làm khô bằng máy, nhiệt độ cao hay thấp tuỳ thuộc vào nốt chấm nhiều hay ít.

Còn nếu quần áo có vòng tròn trong hình vuông cộng thêm 2 đường gạch chéo thì có nghĩa là quần áo đó chỉ được phơi khô bằng không khí ngoài trời, tuyệt đối không được làm khô bằng máy.

Kiến thức chung về thời trang
  Tự đánh giầy cho mình!