Kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp
Đi học, đi làm - đâu là “bán thời gian”?

Lớp phát thanh của P có hơn 20 sinh viên thì cũng có đến hơn nửa có những công việc ngoài giờ như P. Chính vì vậy, có những buổi học, nhìn cả giảng đường số sinh viên ngồi nghe giảng có thể đếm trên đầu ngón tay.

Làm thêm để có một CV “đẹp”

Cuối kì thi học phần, có 8 môn thi thì Thành chỉ được dự thi 1 bởi số buổi nghỉ học của Thành quá nhiều. Thành "nổi danh" cả khoa Quốc tế, ĐH Thương mại bởi cậu là nhân viên marketing của một công ty điện thoại từ khi là sinh viên năm thứ 2. Và đến bây giờ, sau khi bạn bè lấy được bằng tốt nghiệp đã 2 năm thì Thành vẫn thỉnh thoảng tới trường để... học nốt. Thành vẫn chưa lấy được bằng vì nợ quá nhiều môn.

Không thể phủ nhận lợi ích của việc sinh viên đi làm thêm. Có thêm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm, một CV đẹp khi tốt nghiệp, những mối quan hệ xã hội, những kinh nghiệm quý giá mà tri thức giảng đường không thể đem lại được. Bố mẹ ủng hộ, thầy cô ủng hộ, nhà tuyển dụng ủng hộ... tất cả thúc đẩy một sinh viên mong muốn tìm được một công việc bán thời gian khi đang ngồi trên ghế giảng đường.

Giáo dục đại học ở Việt Nam được xem là môi trường giáo dục không hiệu quả như ở các nước phát triển, nhận định này được nhiều chuyên gia đánh giá, và được giới sinh viên tiếp nhận như một sự thật hiển nhiên.

12 năm học phổ thông, nếu không phải gia đình khá giả hoặc bản thân có năng lực để đi du học, được tiếp thu những kiến thức tiến bộ từ những nước phát triển, thì hầu hết các cô cậu tú tài của chúng ta phải cố sống cố chết thi cho được vào một trường đại học, vì cái định kiến về tấm bằng đại học của xã hội ta vẫn còn quá lớn.

Và để đến khi có một chỗ trong giảng đường đại học rồi, các sinh viên lại đua nhau đi làm thêm bởi cái nhận định kia của các chuyên gia. Hùng, một nhân viên FPT, cựu sinh viên Genetic Bách Khoa đi làm thêm khi đang là sinh viên năm cuối. "Thầy giáo mình mở công ty và có nhận một số sinh viên khá vào làm. Đến bây giờ mình vẫn cảm thấy những ngày đi làm khi còn đang học mang lại rất nhiều kinh nghiệm quý giá mà chính người thầy của mình tuy đầy kinh nghiệm thực tế cũng không truyền đạt được.

Tuy nhiên phải thừa nhận hồi đó mình học rất vất vả, thời gian dành cho đi làm nhiều hơn thời gian đi học, cuối kì phải mượn vở chép bài và học bù đầu. Quỹ thời gian của mỗi người chỉ có 24 tiếng, nhiều khi mình không biết làm sao để làm hết mọi việc, học hành, công việc, rồi còn gia đình, người yêu, bạn bè".

Khi được hỏi vậy 5 năm học đại học mang lại những gì, Hùng thẳng thắn trả lời "mang lại cho mình một tấm bằng đại học".

Đừng để đi học trở thành “bán thời gian”

Học viện Báo chí Tuyên truyền là trường có khá đông sinh viên đi làm thêm, nhất là sinh viên thuộc các khối nghiệp vụ được đào tạo chuyên ngành báo chí, phát thanh, truyền hình, xã hội học... Có rất nhiều sinh viên theo học hiện là cộng tác viên cho đài truyền hình, các báo, các cơ quan truyền thông.

Thanh P, sinh viên năm thứ 4 khoa phát thanh, học viện báo chí tuyên truyền, hiện đang là cộng tác viên cho VTV chương trình “Hãy chọn giá đúng”, bên cạnh đó P còn là CTV của báo Tuổi trẻ TPHCM. Có thể nói sau khi ra trường, P sẽ có một CV đáng nể với hơn 2 năm là CTV cho đài truyền hình, và một số bài báo đã được đăng trên một tờ báo lớn.

Và để làm được từng đấy công việc, P phải dành một công sức khá lớn, và dường như bạn không còn thời gian đến lớp. Lớp phát thanh của P có hơn 20 sinh viên thì cũng có đến hơn nửa có những công việc ngoài giờ như P. Chính vì vậy, có những buổi học, nhìn cả giảng đường có thể đếm trên đầu ngón tay số sinh viên ngồi nghe giảng.

Đại học Luật đã từng có quy định, học là quyền lợi của học sinh, học sinh thích thì đi học, không thích thì thôi, và nhà trường không còn quy chế điểm danh. Và thế là, những giảng đường vốn hơn 200 sinh viên theo học có những hôm chỉ không đến 20 sinh viên đến lớp.

Giải thích cho việc không đến lớp của bản thân cũng như của đa phần sinh viên, Hoài - sinh viên lớp KT30H cho biết: “Bọn mình đi học cốt để điểm danh vì những buổi học trên lớp gần như không mang lại kiến thức gì, cắp sách đến rồi lại cắp sách về, hôm sau lại thế. Mà với thời gian đó, mình có thể dành thời gian để đến công ty, kiến thức thu được tốt hơn kiến thức của các thầy nhiều”. Hoài hiện là nhân viên tập sự của một văn phòng luật sư.

Quy định này của trường Luật đã sớm phải bãi bỏ vì sau một thời gian ban hành bởi số lượng sinh viên đến lớp quá ít. Dường như sinh viên không cho rằng học là quyền lợi của mình mà chỉ là trách nhiệm, và khi trách nhiệm không đè nặng lên vai thì sẽ bị cho xuống hàng thứ cấp.

Tiến sỹ Lưu Hồng Minh, trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí Tuyên truyền là người rất ủng hộ việc sinh viên đi làm thêm tích luỹ kinh nghiệm thực tế. Bởi theo thầy, cách tư duy cũng như giải quyết vấn đề là điều giảng viên không thể truyền đạt hết cho sinh viên mà các em phải trực tiếp thu nhận được từ quá trình rèn luyện.

Nhưng cũng theo thầy Minh: "Sinh viên đi làm vẫn chỉ là đi làm thêm, phải xác định rõ cái gì là thêm và cái gì là chính. Nếu quá mải mê với việc đi làm mà sao nhãng công việc chính là học thì các em sẽ có một lỗ hổng lớn trong kiến thức".

(Theo SuctreVietNam)
Kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp
  Đổi nghề - 5 điều bạn phải cân nhắc  
Trang 3/3 : Trang trước  1 - 2 - 3